5 dấu hiệu phân biệt đồ gốm sứ cổ

Đăng bởi Đồ cổ 3C vào lúc 07/03/2019
5 dấu hiệu phân biệt đồ gốm sứ cổ

Làm thế nào để phân biệt đồ gốm sứ cổ, 5 dấu hiệu sau đây sẽ chỉ ra điều đó!

Nguồn: muaban.net

Nhận biết và phân biệt đâu là đồ gốm sứ cổ “xịn” và đồ giả cổ là điều mà bất kỳ người chơi đồ cổ chuyên nghiệp nào cũng cần phải biết.

Những món đồ gốm sứ cổ được sản xuất cách đây từ hàng trăm năm mang vẻ đẹp của thời gian và là sản phẩm có giá trị về mặt vật chất, văn hóa và tinh thần với nhiều người. Thú chơi sưu tập gốm cổ chắc hẳn không phải là một thú chơi bình dân mà ai cũng chơi được, nó đòi hỏi người chơi không chỉ khả năng về tài chính mà còn phải có một con mắt tinh tường cùng sự am hiểu về lịch sử và gốm sứ mới có thể “theo đuổi” được sở thích tốn kém nhưng cũng đầy thú vị này. Vậy, gốm cổ khác với đồ gốm hiện đại như thế nào và làm sao để nhận biết, phân biệt được chúng. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay tiếp theo trong bài viết này nhé.

4 điều làm nên giá trị của gốm sứ cổ

Một số người thường nhẫm lần giữa hai khái niệm “đồ cũ” và “đồ cổ”. Họ cho rằng, những món đồ vật cũ, được sản xuất cách đây tầm vài chục năm thì sẽ mặc nhiên được xem là “đồ cổ”. Song, sự thật không phải vậy. Theo định nghĩa của Luật Di Sản Văn hóa Việt Nam vào năm 2000 thì “cổ vật” là những vật thể hữu hình mang giá trị văn hóa được sản xuất bởi con người và có tuổi ít nhất là 100 năm trở lên. Và một món đồ gốm sứ cổ giá trị, trước hết phải đáp ứng được yêu cầu về niên đại (ít nhất từ thế kỉ 20 trở về trước), kế đó là một số yếu tố khác đi kèm như:

  • Dáng : hay còn có thể hiểu là hình dạng, cấu trúc bên ngoài của đồ gốm. Là yếu tố đầu tiên khi nhìn vào để khẳng định món đồ đó có giá trị về thẩm mỹ cao hay không.
  • Da : Được hiểu là phần “vỏ” ngoài, là nước men, hoa văn, màu sắc, nét chạm khắc,… của đồ gốm. Đây cũng là một yếu tố quan trọng để đánh giá giá trị của món đồ, những món đồ gốm sứ cổ với hoa văn được chạm, vẽ đẹp, sắc sảo, phản ánh được những nét tinh hoa về nghệ thuật ở thời điểm nó được sản xuất và đặc biệt là màu nước men bị ảnh hưởng của thời gian tạo ra vẻ đẹp cổ độc đáo và riêng biệt thường có giá trị rất lớn.
  • Toàn : Ý là sự “toàn vẹn” của món đồ vật. Cùng là đồ cổ như nhau nhưng những món còn lành lặn, ít sứt mẻ chắc chắn có giá trị cao hơn.
  • Tuổi : Như đã nói ở trên, tuổi là yêu cầu đầu tiên để xác nhận xem món đồ đó có phải đồ cổ hay không và “tuổi” cũng là yếu tố mang ý nghĩa khảo cổ học rất lớn và được những nhà sưu tập đồ cổ xem trọng.

Bên cạnh bốn yếu tố cơ bản nhất trên thì người chơi đồ cổ còn thường chú ý đến hai yếu tố nữa là độ “độc” và “thân phận” của món đồ. Những món đồ gốm sứ cổ có “thân phận” hay xuất xứ cao cấp ngày xưa như là đồ vật của vua chúa, quan lại hay những gia đình giàu có, những món đồ được sản xuất bởi những người thợ nổi tiếng hay những nhà nghề có tên tuổi thường sẽ mang giá trị cao hơn những món đồ cổ có xuất thân không rõ ràng.

5 dấu hiệu nhận biết đồ gốm sứ cổ

Đồ gốm sứ cổ thường có những tì vết trên bề mặt
Đồ gốm sứ cổ “xịn” thường có những tì vết trên bề mặt
  • Những nốt gỉ sắt trên bề mặt gốm : Đồ gốm được làm bằng chất liệu từ đất sét nung và sẽ có lẫn những hạt chất khoáng, tạp chất kim loại li ti ở bên trong. Trải qua thời gian dài, lớp men bên ngoài bị bào mỏng, những hạt tạp chất kim loại đó sẽ “nổi” lên bề mặt gốm, bị oxi hóa vào tạo ra những đốm gỉ sắt nâu hoặc đen nhỏ li ti. Việc làm giả những đốm gỉ này cũng có thể được thực hiện nhưng không quá phổ biến vì khá phức tạp và mất thời gian.
  • Vết da rạn, đường nứt : Những vết rạn trên đồ gốm cổ xuất hiện tự nhiên do trải qua thời gian hoặc được hình thành do sự thay đổi nhiệt độ trong quá trình nung. Một số món đồ cổ có thể gặp tình trạng bị da rạn một phần hoặc toàn bộ.
Ảnh một món đồ gốm cổ đã bị tróc men và ố vàng cùng nhiều tì vết trên bề mặt
Ảnh một món đồ gốm cổ đã bị tróc men và ố vàng cùng nhiều tì vết trên bề mặt
  • Lớp men bị tuột, mờ : Những món đồ gốm sứ cổ khi được hoàn thành cũng thường được tráng một lớp men nhằm tạo sự bóng bẩy cho bề mặt gốm. Trải qua hàng trăm năm, lớp men này bị mòn dần, trôi tróc đi, không còn bóng nữa và hơi mờ, khi sờ vào thấy hơi nhám chứ chứ không trơn bóng như đồ gốm mới.
  • Một số món đồ gốm cổ sau khi khai quật xong còn có mùi đất nhẹ hoặc nếu được đào dưới lòng đất lên có thể bị bọc bởi một lớp kiềm dày màu phèn vàng hoặc trắng, rất cứng.
  • Đường nét hoa văn và màu sắc : Mỗi thời kỳ lịch sử sẽ có những đặc điểm văn hóa khác nhau. Nên việc có kiến thức về lịch sử ở từng thời điểm cũng sẽ giúp ích được rất nhiều trong việc nhận biết và xác định cổ vật có đúng hay không.

Đương nhiên, phía trên chỉ là những cách nhận biết đồ gốm sứ cổ qua quan sát và cảm nhận. Còn trong thực tế, để có thể xác định một cách chính xác nhất thì chúng ta đương nhiên phải cần đến sự hỗ trợ của máy móc hiện đại nữa.

Tường An

Tags : > Gốm sứ Nhận biết
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Free ship - Bảo hành: 0971.162.275